Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Nam Giang

http://tuoitrenamgiang.vn


SINH NHẬT LẦN THỨ 79 CỦA NGƯỜI!

Lúc sinh thời thường cứ đến tháng 5 sinh nhật, Bác nói với thư ký của Bác bố trí những chuyến công tác xa để Bác tránh chúc tụng, lễ hội.

Bác nói với các đồng chí lãnh đạo Đảng, đừng tổ chức sinh nhật cho Bác, Bác yếu lắm rồi, Bác chẳng biết còn được bao lâu nữa đừng tổ chức bày vẽ làm gì, tốn kém ra. Khi miền Nam chưa giải phóng, Tổ quốc chưa được thống nhất, Bác ăn không ngon, ngủ không yên, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng cả.

Đồng chí Lê Duẩn phải thiết tha nói lại với Bác: “Thưa Bác, không tổ chức sinh nhật cho Bác thì không tiện một chút nào, vì ngoài Bác ra đã đành còn có Trung ương, còn có Chính phủ, còn có Quốc hội, có mặt trận. Hơn nữa lại còn có các đoàn ngoại giao, mấy chục vị đại sứ ở Hà Nội đang chờ đợi vào chúc thọ Bác thì sao lại không tổ chức được”.

Bác mới sực nhớ ra điều đó, Bác trầm ngâm một lúc, Bác bảo: “Thôi thì các chú làm nhanh lên cho Bác, đừng kéo dài”.

Bác nói một câu cảm động là “Chỉ cho Bác mấy bông hồng là đủ rồi, đừng bày vẽ tốn kém làm gì”. Bác còn cẩn thận dặn thêm là “Năm bông hồng đỏ cho Bác thôi”. Lúc sinh thời, Bác ưa hai loài hoa: Một là hoa hồng đỏ, hai là hoa huệ. Bao giờ trong phòng Bác cũng có một bình hoa hồng và một bình hoa huệ. Bác dặn là 5 bông hồng đỏ thôi, ta làm đúng như lời Bác dặn. Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ (là một trong tám người thư ký giúp việc của Bác lại ở với Bác lâu nhất, hơn 40 năm): “Chú xem có gì để Bác tiếp khách không”.

Đồng chí Vũ Kỳ vào chuẩn bị bánh kẹo, pha nước để Bác tiếp khách. Bác nói với các đồng chí đến chúc thọ Bác là những học trò kiệt xuất của Bác cũng đồng thời là những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước mà hàng ngày vẫn làm việc bên cạnh Bác: “Các chú ăn bánh kẹo và uống nước để mừng thọ cho Bác. Bác mong các chú thông cảm, Bác mang tiếng là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước thật đấy, nhưng Bác nghèo lắm, Bác không có gì đâu, mấy manh áo vải, một đôi dép cao su trường chinh vạn dặm”. Thế đấy, sinh nhật cuối cùng của đời mình nhưng Người không muốn cái gì riêng cho mình cả, đời Bác hóa thân tất cả vào dân tộc và nhân loại.

Sự giàu có phong phú nhất của đời Bác là tư tưởng, đạo đức, tâm hồn thì Bác dâng hiến hết cho dân và cho nước, cho cả nhân loại nữa. Còn tài sản riêng, Bác không có gì cả. Bác nói Bác nghèo lắm, Bác không có gì đâu là đúng. Khi Bác mất, đồng chí Vũ Kỳ- người mà Bác giao cho giữ Bản Di chúc cùng túi tiền tiết kiệm đem nộp lại cho Trung ương, báo cáo với Trung ương tất cả chỉ có thế thôi. Cái túi tiền tiết kiệm của Bác, Bác bảo khâu cho Bác một cái túi vải có cái dải rút kéo lên tiêu pha cho Bác xong, còn thừa để vào đấy. Mà Bác có tiêu gì cho Bác đâu, dành hết cho các cụ già thượng thọ; rồi cho các bà mẹ sinh 3, sinh 4; cho các chiến sĩ bộ đội, công an là những người vất vả hy sinh nhiều nhất, cho các cháu thiếu niên nhi đồng là bạn bè cuối tuần đông nhất của Bác… Cho nên cùng với Bản Di chúc thì túi tiền của Bác để lại còn vẻn vẹn có mấy nghìn bạc.

Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết rất cảm động và rất đúng:

“Giấu mình đi, Người không làm phiền ai tất cả
Dép một đôi, áo quần vài bộ
Chỉ có trái tim bao la là tất cả gia tài”…!

Theo lời kể của Giáo sư Hoàng Chí Bảo
- Ảnh:Bác Hồ những năm 1969.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây