Tín hiệu mới từ ngành nông nghiệp
- Thứ sáu - 27/12/2019 10:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngành chủ lực
Nhiều năm qua, nông nghiệp vẫn được xem là ngành chủ lực trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, đặc biệt là những vùng biên giới khó khăn. Thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy, năm 2019 Nam Giang tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây có hạt như lúa nước, lúa rẫy, bắp; cây chất bột có củ (khoai lang, sắn); cây thực phẩm (rau, đậu) và cây công nghiệp (mía, mè), với tổng diện tích gieo trồng hằng năm đạt gần 6.040ha.
Báo cáo kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2019 của huyện Nam Giang cho thấy, đầu vụ đông xuân 2018 - 2019, mặc dù chịu sự ảnh hưởng các đợt mưa lớn kèm theo không khí lạnh, nhưng lúa và hoa màu vẫn cho năng suất ổn định với tổng sản lượng lương thực đạt hơn 6.835 tấn, vượt kế hoạch đề ra. Đây được xem là tín hiệu tích cực, tạo động lực để Nam Giang nỗ lực phấn đấu và hoàn thành kế hoạch phát triển trong những năm tiếp theo, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Song song với sản xuất nông nghiệp, công tác đầu tư hệ thống kênh mương, thủy lợi cũng được địa phương đặc biệt quan tâm, xây dựng nhiều công trình, dự án mới, đảm bảo nhu cầu bức thiết của người dân, với tổng nguồn vốn đầu tư 7,3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho biết, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, bên cạnh đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với trồng rừng gỗ lớn, địa phương còn chú trọng đến chăn nuôi tập trung theo nhóm hộ, cũng như xây dựng vườn cây dược liệu dưới tán rừng. Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt gần 248 tỷ đồng, tăng 5,22% so với năm 2018.
“Tập trung cho nông nghiệp, ngay từ đầu năm chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, tham mưu cụ thể cho UBND huyện để có cơ sở triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả. Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với cây dược liệu, chúng tôi cũng đã lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, trồng cây ăn quả, đào tạo nghề nông nghiệp cho đồng bào địa phương. Qua đó, đã đem lại hiệu quả tích cực, giúp giảm dần tỷ lệ hộ nghèo từ 58,08% (năm 2015) xuống còn 36,51% vào năm 2019” - ông Chương cho biết thêm.
Cần thêm “điểm tựa”
Ông Avô Tô Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, những năm gần đây, từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh cho vùng miền núi đã giúp địa phương có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống hạ tầng thiết yếu, cùng các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp. Đây đồng thời cũng được xem là “điểm tựa” cần thiết, tạo động lực để Nam Giang phát triển, đảm bảo định hướng của địa phương.
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách dân tộc mới đây, ông Phương thông tin, đến nay 12/12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có đường ô tô đến trung tâm; hệ thống điện lưới phục vụ đảm bảo việc sinh hoạt và sản xuất; hệ thống kênh mương, thủy lợi được đầu tư khá đồng bộ, đảm bảo phục vụ tưới tiêu trên 300ha lúa nước hàng năm… Tuy nhiên, do đặc thù khó khăn chung của miền núi, Nam Giang vẫn chưa tận dụng được hết cơ hội để tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Vì thế, bên cạnh khuyến khích nhân dân trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ theo tinh thần Nghị định 75 của Chính phủ và quy hoạch phát triển cây dược liệu theo Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh, ông Phương nói, cần có chính sách hỗ trợ phát triển cây bản địa có giá trị kinh tế cao như: lòn bon, gáo, sâm bảy lá, cũng như sớm giải quyết tình trạng nhiều hộ đồng bào còn thiếu đất sản xuất hiện nay.
Sau những nỗ lực của chính quyền địa phương, bức tranh kinh tế của huyện Nam Giang cơ bản đã dần sáng màu. Từ nông - lâm nghiệp, cho đến thương mại, dịch vụ, đều mang lại nhiều nét mới đầy kỳ vọng. Bước sang năm 2020, cùng với tiếp tục triển khai thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng nâng tỷ trọng lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản, huyện Nam Giang sẽ tập trung thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong, đó chú trọng kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân miền núi.