Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Nam Giang

https://tuoitrenamgiang.vn


BIA TƯỞNG NIỆM 11 LIỆT SĨ THÔN MỰC

Ngày 28.2.1960, tại nơi đây, một tiểu đoàn địch do Hai Nam dẫn đường đã hành quân lên xã Bến Yên. Chúng vào làng Chađó. Đang mùa phát rẫy, tra hạt, dân làng ra rẫy từ lúc sáng tinh mơ. Làng vắng người khi chúng vào làng, từ khu vực rẫy, 11 dân làng, gồm hai Đảng viên là Conh Nứu và Conh Dưới, 8 thường dân là ông Cơi, ông Trường, ông Prâng, ông BhRếp, ông Dưng, ông Dzứt, anh Trang cùng một người làm đại diện cho địch ở làng là ông A, đã kéo về làng đấu tranh không cho địch phá làng, mở rộng phạm vi càn quét lùng lội, nhằm che chắn cho cán bộ, bộ đội ở bí mật ngoài núi. Tên Hai Nam bộc lộ rõ tính chất phản bội, cam tâm làm chó săn cho giặc chỉ tên từng người và báo với giặc đây là những người đang đấu tranh chính trị nhằm bảo vệ cho cán bộ, bộ đội ngoài rừng. Thế là các nòng súng, lưỡi lê của binh lính địch bèn chĩa thẳng vào 11 người. Sau đó chúng đâm chết 9 người, chúng trói anh Nướu và Conh Dưới lại, bó rơm quanh người để thiêu sống. Chúng đốt làng và tiến quân vào núi đốt hết các trại rẫy... Các đồng chí hy sinh trong sự kiện này gồm: Aranh Trang, Pơ Loong Duối, Đinh Diết, Gia Rum Rết, A ranh Vênh, Blinh Chắp, Zơ râm Dưới, Zơ Râm Rin, Cai mực Nuốt, Arất Zứch và A rất Nướu.
bia tưởng niệm

Vụ giết hại 11 người Chađó đặc biệt là hành động dã man thiêu sống anh Nướu và Conh Dưới đã gây một làn sóng căm hờn cho nhân dân toàn huyện, gây xúc động cả tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ. Sau sự kiện trên, nhân dân các làng thuộc thị trấn Thạnh Mỹ hiện nay lại vũ trang chạy làng, xây dựng thôn xã chiến đấu đánh địch để bảo vệ cuộc sống cho mình. Tổ chức du kích được hình thành khắp xã thôn, trang bị bằng dụ ná, tập luyện và phát động toàn dân vót chông bố phòng. Thanh niên được động viên rút đi tham gia lực lượng tỉnh. Phong trào đã trở thành phong trào quần chúng, từ người già đến các em thiếu nhi cũng tham gia tìm rựa trành mài thành mũi chông để đánh xe địch trên đường 14B. Đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh ngay từ lúc đó đã xin phép cấp trên cho ra đánh địch để trả thù. Dân làng Chađó bỏ làng cũ dìu dắt nhau vào sâu trong núi xây dựng làng bí mật. Sau Chađó, là các làng ở vùng thấp và vùng trung cũng lần lượt chuyển làng vào sống bất hợp pháp với Mỹ - Diệm. Thôn xã chiến đấu nhanh chóng được xây dựng. Bộ đội huyện và du kích thôn, du kích xã ra đời. Các tuyến chông thò được bố trí đều khắp, ngăn chặn một cách hữu hiệu những bước chân lùng lội của địch. Từ phong trào đánh địch, nhân dân Bến Yên đã buộc tên Hai Nam phải đền tội. Hắn đã bị một lưỡi thò bằng tre lồ ô nhọn, sắc của nhân dân ta cắm xuyên qua bụng và chết tại chỗ. Du kích làng Chađó vinh dự được huyện trao cho một cây súng trường 86; 93 do huyện Duy Xuyên kết nghĩa, lấy từ một trận diệt ác gởi tặng. Với cây súng này, bằng tài nghệ của người miền núi, Pơlong Nhấp đã hạ một chiếc khu trục vào năm 1962, mở đầu phong trào dùng súng bộ binh hạ máy bay Mỹ, nguỵ.
 

Tác giả bài viết: Huyện đoàn Nam Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây