Nam Giang khuyến kích thanh niên khởi nghiệp

Lần đầu tiên, các sản phẩm nông sản đặc trưng của thanh niên huyện Nam Giang được giới thiệu, bày bán tại hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thanh niên khởi nghiệp năm 2022 vừa được tổ chức, thu hút sự quan tâm của người dân địa phương lẫn du khách.
Rất nhiều sản phẩm nông sản được bày bán tại hội chợ thanh niên khởi nghiệp Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Rất nhiều sản phẩm nông sản được bày bán tại hội chợ thanh niên khởi nghiệp Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Hội chợ do Huyện đoàn Nam Giang phối hợp với Ban Quản lý dự án nông nghiệp liên kết hướng đến thu nhập bền vững cho đồng bào thiểu số (dự án BMZ), Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tổ chức nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của thanh niên, hướng đến chương trình khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích làm giàu chính đáng từ các chuỗi giá trị sản vật đặc trưng của vùng.

Chợ thanh niên

Dù quy mô của phiên chợ được thu hẹp nhưng các gian hàng bày bán của thanh niên vẫn đủ đầy sản vật đặc trưng của miền núi, từ gạo nếp rẫy, ớt rang rây, cà chua, đậu xanh lòng cho đến các loại rau rừng, lòn bon…

Đặc biệt là sản phẩm heo đen địa phương do chính các hộ thanh niên chăn nuôi, liên kết đưa ra thị trường tiêu thụ, thông qua hoạt động giới thiệu, quảng bá của Huyện đoàn.

Bí thư Huyện đoàn Nam Giang – Bùi Thế Anh cho biết, ý tưởng xây dựng hội chợ thanh niên khởi nghiệp được ấp ủ khá lâu, nhất là sau sự kiện đơn vị giới thiệu sản phẩm heo đen tại Tam Kỳ trước Tết Nguyên đán 2022.

Thông qua các gian hàng thanh niên, hội chợ đáp ứng nhu cầu mua sắm, tham quan của người dân và du khách, tạo thói quen hoạt động mua bán trong thanh niên miền núi.

“Tất cả sản phẩm được bày bán tại hội chợ đều được mang đến từ các khu vực núi cao, là thành quả sau thời gian chăm sóc, phát triển các mô hình của thanh niên.

Như ớt rang rây, sau thời gian nghiên cứu và di thực, nhiều thanh niên đã hình thành mô hình ươm trồng tại nhà để mở rộng trồng, chăm sóc, hạn chế tác động vào môi trường tự nhiên.

Hay sản phẩm heo đen, được chăn nuôi hoàn toàn bằng phương thức chăn thả tự nhiên, đảm bảo các quy trình chế biến nhằm giữ thương hiệu, chất lượng sản phẩm vốn có” – anh Thế Anh chia sẻ.

Cả người dân và du khách tham quan các gian hàng tại hội chợ thanh niên đều tỏ ra ngạc nhiên khi chứng kiến toàn bộ quy trình đóng gói sản phẩm heo đen địa phương.

Với chất lượng sản phẩm giá trị cao, những năm gần đây heo đen được xem là mặt hàng thu hút thị trường và nhu cầu tìm mua của người tiêu dùng. Bởi thế, chỉ trong thời gian ngắn của hội chợ, đã có 3 con heo thịt, cùng 20 con heo giống được xuất bán, khuyến khích thanh niên mở rộng phát triển quy mô chăn nuôi thời gian đến.

Mô hình làm giàu

Anh Alăng Khái – Bí thư Đoàn xã La Êê cho biết, tham gia hội chợ, ngoài giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, còn là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, mở hướng làm giàu từ heo đen địa phương trong thanh niên.

Hội chợ thu hút du khách tìm mua, tham quan. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Hội chợ thu hút du khách tìm mua, tham quan. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Anh Khái chia sẻ từ chính câu chuyện của mình, sau 2 năm thử nghiệm mô hình chăn nuôi heo đen kết hợp trồng cây ăn quả đã cho thấy hiệu quả rõ nét với đàn heo gần 30 con sinh trưởng tốt.

Qua các đợt xuất bán heo thịt và heo giống, anh Khái thu về hàng chục triệu đồng, tiếp tục mở rộng quy mô trang trại theo hướng kết hợp “3 cây, 3 con”.

Theo ông Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, địa phương có lợi thế trong việc hình thành và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của vùng, bởi rất gần với Đà Nẵng có mạng lưới giao thương tỏa khắp.

Những năm qua, mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng ngành nông nghiệp địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về sản lượng và chất lượng; nhiều sản phẩm bản địa dần khẳng định được vị thế và được thị trường đón nhận, nhất là sản phẩm heo đen.

Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm nông sản vẫn còn khá nhỏ lẻ, chưa có quy trình chặt chẽ, sản xuất chưa liên kết mở rộng với thị trường…, do vậy chưa mang lại giá trị kinh tế cao như mong muốn.

Ông Chương kỳ vọng, hội chợ thanh niên lần này sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu và thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện đến gần với người tiêu dùng.

Đồng thời tạo động lực đưa các sản phẩm khởi nghiệp sạch không chỉ trở thành mô hình làm giàu của thanh niên mà còn thành đòn bẩy trong phát triển kinh tế của huyện, hướng đến chuỗi giá trị sản phẩm nâng cao trong cộng đồng.

“Hiệu quả bước đầu từ hội chợ thanh niên lần này sẽ mở ra cơ hội khuyến khích người trẻ hình thành nhiều hơn các mô hình khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là mô hình chăn nuôi heo đen địa phương, xem đó là hướng đi mới để làm giàu chính đáng, góp phần giảm nghèo bền vững” – ông Chương nói.

Theo ALĂNG NGƯỚC – Báo Quảng Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *